Quảngiatrang
Hàng xóm của bạn
Quản gia Viên February 08, 2021

Hàng xóm của bạn

Nếu như bạn là một người gọn gàng, ngăn nắp, nhưng bạn lại phải sống cạnh một người hàng xóm bừa bãi và tuỳ tiện. Vậy bạn phải làm như thế nào? Thông qua câu chuyện nhỏ này, chúng ta sẽ rút ra được một bài học lớn cho những tình huống khác trong cuộc sống.

Nếu bạn không có quyền chọn lựa mà buộc phải sống cạnh một người hàng xóm bừa bãi và tuỳ tiện, bạn sẽ hiểu rằng: Sự bừa bãi và tuỳ tiện ấy rõ ràng không đến từ bạn, không phải là cách sống của bạn, nhưng nó lại hiện diện trước mặt bạn và gần như sẽ có đôi chút tác động tiêu cực đến bạn. Bạn chẳng thể nào thể ngó lơ với điều ấy, bạn phải làm gì đó để thay đổi nó mà thôi.

Thiết nghĩ rằng, việc đầu tiên bạn có thể làm đó là đừng nên thường xuyên dòm ngó và phàn nàn về người hàng xóm đó. Đừng để tâm trí bạn bị vướng bận vào đó, đừng cảm thấy khó chịu về người ấy. Bạn hãy tập trung vào ngôi nhà của chính mình, vào nếp sống gọn gàng ngăn nắp đang được tạo lập một cách rất tốt của chính bạn.

Hãy kiên nhẫn với những tác động xấu từ nếp sống của người hàng xóm đó, xem xét một cách kỹ lưỡng thì ta sẽ nhận ra rằng các vấn đề phát sinh không đến từ ta, các vấn đề đó thường có những tác động đến ta rất ít và không lớn đến cuộc sống của ta như chúng ta nghĩ. Bạn sẽ làm được, sẽ xử lý được các vấn đề phát sinh đó và bạn nên mạnh dạn vượt qua chúng, loại bỏ chúng một cách nhanh chóng nhất, nhẹ nhàng nhất.

Việc có một người hàng xóm bừa bãi, tuỳ tiện như thế sẽ là một tấm gương, để bạn nhìn vào, để bản thân được nhắc nhở thường thức rằng bạn không như vậy, hãy đảm bảo rằng bạn được như thế, bạn phải sống gọn gàng và ngăn nắp. Hãy cho hàng xóm của bạn thấy được những giá trị, những lợi ích tuyệt vời từ việc sắp xếp cuộc sống gọn gàng và ngăn nắp mang lại. Bạn sẽ là minh chứng rõ nét nhất, là ví dụ tốt nhất cho điều bạn nói, bạn tin tưởng và thực hành theo. Hãy cho họ thấy thân tâm bạn được thoải mái, hạnh phúc và vô tư tận hưởng cuộc sống nhờ vào sự gọn gàng, ngăn nắp ấy, nhờ vào những thói quen tốt.

Đôi lúc, ta biết rằng một điều gì đó là xấu, là không đúng, thế nhưng nếu chúng ta cứ phản ứng, cứ trách móc, cứ can thiệp và tác động liên tục tới sự bừa bãi, tuỳ tiện của người hàng xóm, thì sẽ là phản tác dụng nếu nhận thức của họ chưa thực sự thay đổi, họ chưa sẵn sàng làm khác đi. Trong tình huống ấy, mặc dù chúng ta có ý tốt, nhưng rõ ràng rằng họ không cho là như vậy, họ sẽ không còn thiện cảm với ta và ta sẽ đánh mất đi cơ hội để có thể thay đổi một con người, khó mà biến một người trở nên tốt đẹp hơn được nữa.

Thời điểm thích hợp và tốt nhất để giúp đỡ một người chính là lúc người đó gặp phải các vấn đề rắc rối bởi chính sự bừa bãi, tuỳ tiện của họ, bởi chính thói quen và nếp sống của họ. Những lúc như vậy, chúng ta hãy mở lòng và giúp đỡ họ, chúng ta sẽ không giải quyết vấn đề thay cho người khác, chúng ta sẽ giải quyết việc nhận thức của họ thay đổi và hoàn thiện tới đâu, chúng ta nên thay đổi tư duy, cách nhìn nhận mù quáng của người khác để họ được thấu đạt bản chất các vấn đề, nhìn nhận đúng sự việc. Để họ thấy được cái chưa phù hợp của mình, để họ có ý thức muốn tự mình thay đổi và hoàn thiện hơn. Ở một số trường hợp khác, kể cả khi người hàng xóm chưa gặp vấn đề gì cả với những nếp sống sai lầm của họ thì bạn cũng có thể chọn lựa một thời điểm mà bạn và hàng xóm có thiện cảm tốt, thời điểm mà người ta có tâm trạng vui vẻ, gần gũi để chia sẻ nhẹ nhàng, cởi mở cho họ thấy những ích lợi của việc gọn gàng như thể bạn chỉ đang kể câu chuyện của mình, bạn không có ý chỉ trích hay nói xấu ai. Người xưa có câu, mưa dầm thấm lâu, thông qua những lần chia sẻ của bạn thì rất có thể một ngày nào đó họ sẽ nhận ra được điều gì đó, họ sẽ nhớ tới lời bạn và cảm nhận những gì bạn từng nói.

Cuối cùng, nếu như bạn đã làm tất cả những gì bạn có thể làm nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn, thì bạn nên sẵn sàng một tâm thế rằng kết quả đó là hoàn toàn bình thường và không có gì là đáng thất vọng cả. Hãy quay về nơi chính mình và giữ gìn nếp sống gọn gàng ngăn nắp của mình, nếu có bất kỳ tác động nào nữa xảy đến từ việc bừa bãi, tuỳ tiện của hàng xóm của bạn thì ta sẽ nghiêm khắc và cứng rắn hơn trước những tác động ấy. Ta tuyệt đối không khoan nhượng cho mọi hành động của họ, ta sẽ cho họ thấy rằng,  họ chỉ có thể sống với nếp sống sai trái ấy cho riêng họ mà thôi, sẽ chẳng có ai chọn làm theo họ, họ mới chính là người cần đổi thay để hoàn thiện mình.

Từ câu chuyện trên, chúng ta có thể suy rộng ra rằng, đôi khi:

Người giàu có thường chọn người giàu có, sang trọng để chơi cùng.

Người thành công thường giao du với người có nhiều thành tựu.

Người tài giỏi và thông minh thì chỉ muốn tiếp chuyện cùng người tri thức và có hiểu biết.

Thế nhưng người thiện lương và đức hạnh thực sự thì sẽ không như thế. Các vị ấy sẽ không tự mình xa lánh cuộc đời, cũng không bị cuộc đời cuốn vào vòng mê đắm. Họ sẵn lòng chung sống một cách thân tình, gần gũi với bất kể ai cho dù là người giàu hay kẻ nghèo, người thành công hay thất bại, người trí tuệ hay kẻ si mê, họ không phân biệt người này hay người kia. Họ tin vào bản chất của vạn vật là chân thiện mỹ. Những si mê, lạc lối chỉ là nhất thời, che mắt. Họ tin vào sự đổi thay tốt đẹp và sự hướng thiện của bất kỳ ai và họ sống cho những điều ấy, để biến đổi những điều tồi tệ trở nên tốt đẹp hơn nhờ vào chính cuộc đời của họ. Người phẩm hạnh thanh cao và thiện lương sẽ không chọn lựa sống ở nơi chỉ có những người giống mình, họ sẵn sàng sống giữa đời thường, sống giữa cộng đồng cùng chung sống quanh họ. Mỗi người có một sứ mệnh và một cuộc đời, không ai là giống nhau cả. Mọi mối quan hệ đều là nhân duyên hợp tan giữa ta với người, ta cứ rộng lòng đón nhận, ta cứ cởi mở và bao dung. Cũng giống như câu chuyện về người hàng xóm kể trên, để thay đổi một ai đó ta phải thuận theo tùy duyên và không nên ép buộc thái quá. Để giúp được người si mê thì người tỉnh giác phải luôn giữ vững được đức hạnh của mình, luôn làm tốt nhất việc của mình, luôn sáng suốt để không bị cuốn theo những điều chưa đúng đắn, và tuyệt đối không để ta bị tệ thêm đi.

Cách đầu tiên và phù hợp nhất để giúp đỡ một ai đó, chính là gửi đi cái tâm từ bi hỷ xả, là sự mềm dẻo và kiên trì, hãy chọn thời điểm phù hợp chứ đừng tùy tiện mọi lúc mọi nơi. Và đôi khi cũng cần sự nghiêm khắc, kiên định, tuyệt đối không dung túng cho thói hư tật xấu.

Muốn giúp người trước tiên phải giúp mình, muốn thay đổi người hay bắt đầu bằng thay đổi chính mình, hãy biến mình thành một minh chứng sinh động, hãy là chính mình và luôn làm tốt nhất với cuộc đời của chính mình. Bản chất của việc giúp người và hành thiện không nằm ở kết quả mà đến từ phẩm hạnh, từ ý niệm và phương pháp của người giúp. Khi bạn làm hết khả năng và tất cả những gì phù hợp nhất, bằng những phương pháp đúng đắn nhất, với ý niệm chân thiện nhất là khi bạn đã biết bạn đã làm được. Người được bạn giúp đỡ cảm nhận được mức độ nào, thấu hiểu được tới đâu, thay đổi được bao nhiêu, còn phụ thuộc vào chính họ, còn tuỳ theo nhân duyên giữa ta và họ và tùy theo nhân duyên của họ trên cuộc đời này.

Leave a Reply

Your email address will not be published.