Be Mindful Youth P5 – Sức khỏe tinh thần và Làm chủ cảm xúc
Điều thứ năm Quảngiatrang muốn gửi gắm tới các bạn trẻ đó là về “Sức khỏe tinh thần và Làm chủ cảm xúc”. Này các bạn trẻ, chúng ta sẽ nói về “Sức khỏe tinh thần và Làm chủ cảm xúc” để ta hiểu đúng đắn hơn về tầm quan trọng của việc làm chủ cảm xúc, để tinh thần luôn ở trạng thái tốt nhất, để ta vui vẻ sống mỗi ngày.
Nếu như ở phần trên, chúng ta đã nói về thể lực và mối liên hệ qua lại giữa thể lực và tinh thần, thì ở phần này ta sẽ tiếp tục nói về vế còn lại nhé. Hiểu một cách đơn giản, cảm xúc và trạng thái tinh thần, tâm trí luôn chi phối chúng ta mọi lúc mọi nơi, trạng thái cảm xúc xuất hiện có khi là tích cực hoặc tiêu cực, có khi ta vui vẻ, khi ta buồn rầu hay nóng giận, khi thì nhiệt thành và năng động, khi lại u sầu, vọng niệm…dù là trạng thái nào đi nữa thì việc ta biết cách và có ý thức làm chủ cảm xúc khi nó xuất hiện trong ta cũng là rất quan trọng. Sẽ thật khó nếu tôi hay bạn có được một trạng thái tĩnh lặng và an nhiên của cảm xúc vì những thứ liệt kê ở trên đã chiếm lấy hết thảy mọi khoảnh khắc ta có mặt trong thực tại. Nhưng thử ngẫm lại với tôi nào, bạn có thấy rằng việc bạn biết được cảm xúc nào đang diễn ra trong ta là cần thiết để từ đó ta có thể dần dần đưa tâm trí ta về trạng thái tĩnh lặng, điềm nhiên mà ta muốn, khi đưa được về trạng thái ấy là ta đã làm chủ được cảm xúc của mình và giúp chúng ta học cách đón nhận mọi thứ tốt hơn, làm chủ cuộc sống tốt hơn.
Vậy tại sao ta phải làm chủ cảm xúc của ta, vì lẽ rằng việc tiết chế hay làm chủ cảm xúc để không có một tâm trạng thái quá cho một điều gì đó cũng giống như cách thực hành lối sống trung đạo của người phật tử vậy. Các vị ấy luôn biết cách điều phục tâm trí và không để tâm trí bị chi phối bởi ngoại cảnh, bị chi phối bởi sự vận động, biến đổi không ngừng của hoàn cảnh. Từ đó, cảm xúc đến rồi đi, không tác động, không đọng lại khiến lâu ngày hình thành một trạng thái tinh thần bất ổn trong ta. Đó cũng chính là việc rèn luyện sức khoẻ tinh thần của ta, sức khoẻ tinh thần có khi chỉ là việc ta có dễ bị suy sụp, dễ bị chi phối bởi cảm xúc hay không mà thôi.
Và để có được những điều đó, ta hãy chọn cách thực hành mỗi ngày từng bước một của việc điều tiết lại cảm xúc của mình. Các giai đoạn cơ bản nhất, đơn giản nhất của việc làm chủ cảm xúc đó bao gồm:
- Giai đoạn nhận biết hoàn cảnh tác động làm phát sinh cảm xúc.
- Giai đoạn nhận biết cảm xúc, nhìn lại chính mình.
- Giai đoạn điều tiết và làm chủ.
Cũng giống với sức khoẻ vật lý, để thân thể khoẻ mạnh thì ta cần tập thể lực, rèn luyện thói quen sinh hoạt phù hợp với bản thân. Việc có sức khoẻ tinh thần cũng vậy, cần bạn luyện tập cho bộ não được tỉnh táo, tâm trí minh mẫn, sáng suốt trong mọi hoàn cảnh, rèn luyện những thói quen phản ứng tâm lý phù hợp, hài hoà. Việc rèn luyện làm chủ cảm xúc là một cách hữu hiệu và tốt nhất giống như việc tập thể lực vậy, sẽ giúp ích cho tâm trí rất nhiều. Bạn thấy cần thiết phải làm vậy, bạn ý thức được bạn phải thay đổi và hoàn thiện hơn thì bạn sẽ làm được.