Đôi điều về Sự lãnh đạo!
Vì năng lực, hiểu biết, nhận thức và tầm nhìn của mỗi người là khác nhau, nên hẳn trong cuộc đời mỗi chúng ta sẽ có không ít những việc, không ít những điều ta cần đến sự dẫn dắt của “người hơn mình” và đâu đó sẽ có những lúc mình được làm “lãnh đạo” được dẫn dắt những người tin tưởng mình. Sự nâng đỡ, đồng hành cùng tiến bộ là vô cùng đáng quý cho những ai cùng nhau bước đi trên một đoạn đường, cùng nhìn về chung một hướng.
Trong những lúc ấy, nếu là một người trẻ tỉnh giác bạn sẽ nhìn nhận như thế nào cho đúng và phù hợp nhất về sự lãnh đạo?
Tôi tạm chia sự lãnh đạo làm ba giai đoạn gồm:
- Trước khi lãnh đạo.
- Trong quá trình lãnh đạo.
- Khi không còn lãnh đạo.
Chắc chắn rồi, trước khi có sự lãnh đạo thì ta cần đến quá trình hình thành đội nhóm, hình thành tổ chức, cần quá trình tập hợp, quy tụ lại của những nét tính cách không hoàn toàn giống nhau. Sự tập hợp này có thể là ngẫu nhiên, bị ép buộc, có chủ đích hay hoàn toàn tự nguyện. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ muốn nói đến khía cạnh lãnh đạo đội nhóm, tổ chức được hình thành hoàn toàn tự nguyện, các thành viên được quyền chọn người đồng thành cũng như người dẫn dắt mình. Theo tôi, thì việc lãnh đạo trong trường hợp này sẽ bớt khó khăn, vất vả hơn một chút so với việc lãnh đạo hoặc bị lãnh đạo theo ngẫu nhiên, bị ép buộc. Nơi mà người dẫn dắt không được quyền chọn dẫn dắt ai, loại bỏ ai và ngược lại người được dẫn dắt không có quyền quyết định ai sẽ dẫn dắt mình. Trước khi nhóm hình thành, mỗi thành viên phải xem xét kỹ lưỡng không chỉ đơn thuần dựa trên cảm tính (cảm xúc yêu, ghét, vui, buồn,…) mà phải suy nghĩ khách quan rằng mình có gì và cần bổ trợ gì, mình giỏi gì và dở gì, mục tiêu của mình là gì để tìm tới những ai thật sự phù hợp, những người sẽ giúp ích cho mình trong nhiều khía cạch, mọi mặt của sự phát triển bản thân. Các thành viên phải cùng chí hướng và tinh thần hướng thượng (hướng tới sự hoàn thiện bản thân, hướng tới những điều có giá trị và mang nhiều ý nghĩa cao đẹp). Nếu một nhóm tập hợp lại chỉ đơn thuần vì thích nhau, vì chơi với nhau thấy vui, chỉ vì vui thôi thì thật là tai hại. Chọn một người dẫn dắt chỉ vì họ dễ tính, dễ gần, dễ mến là chưa đủ, còn phải xem cái tâm, cái tầm của họ thế nào, họ lãnh đạo được chính họ tốt chưa, trước khi họ có thể lãnh đạo ai khác. Không biết với các bạn thì sao, nhưng cá nhân tôi luôn thấy ai sẵn sàng nghiêm khắc với tôi, chỉ cho tôi thấy tôi còn khuyết điểm ở đâu và cần hoàn thiện gì thì đó là người tôi cần đến trong cuộc sống, không phải người giống ta, không phải người lúc nào cũng cười nói vui vẻ, lúc nào cũng khen ta, lúc nào cũng chiều ta, mà chính là người có nhân cách cao thượng, người mang những phẩm chất ta còn thiếu, người khác biệt với ta, với những mặt tệ hại ta đang có, mới là người ta thực sự cần.
Quá trình tập hợp tự nguyện có thể dựa trên sự tương đồng, điểm chung (sở thích, chí hướng, tính cách, mục tiêu, tôn chỉ, nhẫn đạo,…), nhưng đồng thời cũng phải tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng mỗi thành viên. Sự quy tụ này tất nhiên phải theo nguyên tắc coi trọng chất lượng hơn số lượng, nghĩa là không phải cứ đông thật đông là tốt, không phải cứ đông là đi với vui, mà từng thành viên được nhóm lại với nhau đều là những nhân tố cần thiết, quan trọng, không dư thừa. Như dòng chảy của dòng sông, quá trình quy tụ nhóm sẽ có thuộc tính hợp tan tất yếu, quá trình hợp tan này bắt đầu từ trước khi hình thành nhóm và sẽ kéo theo suốt quá trình nhóm đó tồn tại.
Bất kỳ một đội nhóm nào, cũng cần có:
- Phương hướng hoạt động rõ ràng, có mục tiêu cụ thể.
- Có người dẫn dắt xứng đáng.
- Có phương trâm, tôn chỉ và hệ giá trị chung.
- Có hoạt động định kỳ, đa dạng, bổ ích và gắn kết.
Trong quá trình lãnh đạo và được lãnh đạo ta hãy nhớ rằng:
Người dẫn dắt người khác cần:
- Có sự tin tưởng, tôn trọng của các thành viên và có trách nhiệm với thành viên mình dẫn dắt.
- Lời nói phải chất lượng, không nói ba hoa, nói nhiều điều không cần thiết, không nói điều không mang lại nhiều giá trị, lời nói luôn có tính cam kết cao hay còn gọi là lời nói có trọng lượng.
- Có tâm và có tầm, có sự nhìn xa trông rộng, có phẩm hạnh, có khí chất, nhân cách cao đẹp, mang trong mình nhiều đức tính tốt đẹp.
- Dám nhận trách nhiệm, dám bảo vệ thành viên, dám hi sinh lợi ích cá nhân cho mục tiêu chung.
- Có phương pháp quản trị đơn giản, hiệu quả, biết phân chia công việc, kiểm soát tốt mục tiêu, khả năng thích ứng cao và linh hoạt xử lý các tình huống phát sinh.
- Có chuyên môn cơ bản tốt, biết năng lực của mình và của các thành viên, biết thành viên giỏi ở đâu, yếu ở đâu và cần hoàn thiện gì.
- Dám đấu tranh trước cái xấu, cái tệ hại, tránh xa điều làm team suy yếu, cái làm nhàm, tầm thường, vụn vặt. Kỷ luật phân minh, nghĩa tình phân rõ, công bằng, công tâm, chính trực.
- Cuối cùng là người chân thành, giàu sự sẻ chia, giàu tình yêu thương.
Mỗi thành viên hãy nhớ năm điều cơ bản dưới đây là điều mà bất kỳ tổ chức nào cũng cần phải có, nếu thiếu đi dù chỉ một yếu tố thôi, thì thành viên hãy xem lại liệu tổ chức đó có còn phù hợp với mình:
- Trong một tổ chức, thành viên luôn thấy được việc mình làm có ý nghĩa, có đóng góp, mang lại giá trị, nó thiện lương và luôn có người cần tới.
- Thành viên được chỉ bảo, nâng đỡ, được hoàn thiện, được học hỏi, được đổi thay tích cực, được phát triển liên tục và thấy mình trưởng thành hơn qua từng ngày.
- Mỗi thành viên đều có lộ trình thăng tiến rõ ràng, minh bạch. Thấy được lộ trình đào tạo, phát triển bản thân cụ thể.
- Có sự đền đáp xứng đáng dưới nhiều hình thức, được lắng nghe, được tôn trọng những đóng góp của mình, được ghi nhận và biết ơn.
- Được chơi ra chơi mà làm ra làm và được yêu thương như những người anh chị em trong cùng một gia đình.
Mỗi thành viên trong đội nhóm hãy nghĩ rằng, chúng ta đi cùng nhau không chỉ vì để hướng tới thành công mà đôi khi chỉ cần không gục ngã trước thất bại. Chúng ta có định nghĩa riêng của mình về thành công và thất bại, chứ không lấy nguyên mẫu thành công ở đâu đó mà áp đặt lên team.
Nếu người dẫn dắt luôn tin tưởng, tôn trọng và có trách nhiệm với thành viên, thì mỗi thành viên cũng cần phải tin tưởng, tôn trọng với người dẫn dắt mình. Cống hiến, sáng tạo không vì bất kỳ lợi ích nào, không vì bất kỳ sự ép buộc nào cả mà là vì tinh thần trách nhiệm, vì câu nói “với tinh thần trách nhiệm của tôi thì tôi cần phải làm tốt nhất, hoặc tự tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm với việc này”.
Vậy còn sau quá trình lãnh đạo thì sao? Đây cũng là phần mà ít người để ý tới. Sau tất cả thì còn điều gì là đáng quý đọng lại, điều gì còn lại khi người lãnh đạo không còn lãnh đạo đội nhóm nữa, điều gì còn khi đội nhóm tách rời? Chúng ta luôn biết rằng, khó có tổ chức nào tồn tại mãi mãi, khó có đội nhóm nào mà đi cùng nhau mãi mãi, tan ra ở đây không chỉ có nghĩa là tiêu cực, mà còn là một điều tất yếu. Vậy khi điều đó xảy ra, chúng ta còn lại gì, được gì và mất gì? Những câu hỏi trên được đặt ra, nhằm dẫn chúng ta tới một khái niệm quản trị hoàn toàn mới, không phải quản trị theo quy trình, phép tắc (MPP), cũng không phải quản trị theo mục đích, kết quả (MPO), mà đó là quản trị theo hệ quả, là cái có thể xảy ra sau khi hoàn thành mục tiêu, đạt được kết quả rồi. Chúng ta không chỉ chăm chăm vào cái đích đến, sao cho đạt được kết quả rồi thôi, mà chúng ta còn phải tự hỏi đạt được kết quả đó, hoặc không đạt được kết quả đó rồi sao nữa, điều gì sẽ xảy đến hoặc không xảy đến tiếp theo. Nhà lãnh đạo khi chọn triết lý lãnh đạo như vậy, giúp họ nghĩ đến hậu quả mà lường xa nhất có thể, để sau tất cả thì mọi người vẫn còn đồng hành với nhau không chỉ trên khía cạnh công việc mà còn trên nhiều khía cạnh khác. Mục tiêu, sứ mệnh của nhóm có thể kết thúc, nhưng sự gắn kết, đồng thành của các thành viên vẫn sẽ tiếp tục, ngoài công việc, nó còn lại cuộc sống, còn những điều tốt đẹp như việc cùng nâng đỡ nhau, giúp nhau phát triển không ngừng, còn đó sự tin tưởng, tôn trọng, tình yêu thương, quý mến dành cho nhau. Không phải hết cộng sự rồi thì chẳng còn mối liên hệ nào cả, thậm chí còn đảo chiều thành ra ghét nhau, coi nhau không là gì cả! Dù về mặt hình thức người dẫn dắt không còn dẫn dắt thành viên nữa thì trong lòng mỗi thành viên vẫn coi người đó như ngọn hải đăng dẫn lỗi, như ngôi sao bắc đẩu soi sáng. Dù cho các thành viên không còn là thành viên mà ta lãnh đạo họ nữa thì ta cũng sẵn sàng giúp đỡ, vẫn sẵn sàng trao truyền cho họ những điều tốt đẹp ta có. Đó chính là điều mà tôi nghĩ rằng đằng sau mọi sự lãnh đạo, dẫn dẵn cần phải có.
Cuối cùng, bàn về sự lãnh đạo thì có rất nhiều điều để nói, vì vậy những dòng ngắn ngủi trên đây là hoàn toàn không đủ và còn nhiều thiếu xót trong phân tích. Tự bản thân mỗi chúng ta trong mỗi tình huống cụ thể, môi trường, hoàn cảnh cụ thể sẽ biết mình phải lãnh đạo như thế nào hoặc phải ứng xử như thế nào với người lãnh đạo của mình. Không bao giờ có câu trả lời chung cho mọi câu hỏi. Đừng bao giờ lấy nguyên mẫu điều này áp dụng lên điều khác, cho dù điều bạn vận dụng có là chân lý ở một bối cảnh nào đó. Dẫn dắt người khác hay chịu sự dẫn dắt của người khác chưa bao giờ là quá trình dễ dàng cả, nhưng quá trình đó cũng rất thú vị, rất cần thiết cho cuộc sống của ta, vì vậy đừng sợ hãi, đừng ngần ngại nó. Có một điều chắc chắn ta làm được, đó là hãy lãnh đạo bản thân mình cho thật tốt, trước khi lãnh đạo ai và hãy đi theo sự dẫn dắt của những ý niệm chân thiện mỹ trước khi đi theo sự dẫn dắt của cảm xúc hay sự dẫn dắt của một người nào đó.
Hãy tỉnh giác trước sự lãnh đạo hoặc được lãnh đạo các bạn trẻ nhé!