Quảngiatrang
Ngẫm 1
Quản gia Gia đạo March 23, 2025

Ngẫm 1

Các nhà kinh tế học đã chỉ ra quy luật khách quan, phổ biến đó là lý thuyết về nguồn lực hữu hạn và chi phí cơ hội. Theo như tôi hiểu, thì nội dung chính của lý thuyết này đại ý nói về sự giới hạn ít ỏi, khan hiếm và nhỏ bé nguồn lực mỗi chúng ta có, so với chính cái ước muốn vô biên của chúng ta. Mỗi khi chúng ta đứng trước sự chọn lựa giữa cái này hay cái kia, là mỗi lần ta phải suy xét kỹ càng sự đánh đổi. Chi phí cơ hội chính là cái sẽ mất đi, cái giá phải trả, cái không có được, khi ta chọn lấy một điều gì đó. Hiểu một cách đơn giản thì để có được cái này ta phải chấp nhận hi sinh đi cái khác. Sẽ là rất khó và rất hiếm khi ta có được tất cả những gì ta muốn, khó mà vẹn toàn. Bởi một lẽ dễ hiểu, khả năng và nguồn lực của ta thường bị hạn chế và không cho phép ta làm quá nhiều thứ, theo đuổi quá nhiều mục tiêu trong cùng một thời điểm. Thay vì chỉ nên tập trung vào việc làm tốt nhất một điều gì đó, để đạt được một kết quả nào đó, chúng ta dễ phạm sai lầm và theo đuổi quá nhiều thứ, nếu ta cố gắng làm như vậy thì khả năng cao chúng ta sẽ “mất cả chì lẫn chài”, chúng ta sẽ không đạt được điều gì cả, hoặc thành quả của tất cả chúng đều ở mức khiêm tốn, không tuyệt vời nhất có thể. 

Một câu nói tương tự ta thường được nghe là “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, nguồn lực của chúng ta đã hạn hẹp rồi mà chúng ta còn phân nhỏ chúng ra thì thật khó tạo nên sức mạnh giúp ta đạt được thành quả tốt đẹp. Không nên “Đứng núi này trông núi nọ”, hãy dốc hết sức lực cho một điều gì đó thực sự phù hợp với ta mà thôi. Chúng ta cần suy xét cho kỹ cái giá phải trả cho chọn một điều gì đó và biết được nên nắm cái nào, buông cái nào khi phải đặt chúng trên bàn cân lựa chọn.

Từ lý thuyết ấy, chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình, nhìn lại các mối quan hệ ta có, ta cũng thấy rằng chúng ta không nằm ngoài quy luật ấy. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta học tập, trải nghiệm và được tiếp xúc với vô vàn những thứ thu hút ở xung quanh. Bằng sự tò mò và tư duy hiếu động của mình, ta bị cuốn theo rất nhiều điều mà quên mất phải dành thời gian suy xét kỹ càng, dành thời gian thấu hiểu thực sự trước khi chọn lựa.

Với sự hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi mạo muội xin chia sẻ cái thấy về 04 bốn cấp bậc ưu tiên của con người trong cuộc đời. Từ đó, hi vọng các bằng hữu sẽ có thêm một góc nhìn tham khảo, để biết lựa chọn điều gì là quan trọng cho cuộc sống của mình, để tối ưu hoá nguồn lực hữu hạn, để giải bài toán chi phí cơ hội một cách phù hợp nhất.

Có cả tá thứ vây quanh ta, nhưng Quảngiatrang xin tạm lấy ra 04 thứ có mức độ ưu tiên tăng dần là:

Vật chất -> Thời gian -> Mối quan hệ tích cực -> Gia đình, người thân.

Trong mối quan hệ (sẽ được phân tích kỹ hơn ở phần sau) lại được chia thành 06 cấp độ là:

Biết -> Quen -> Bè -> Bạn -> Tri âm -> Tri kỷ.

Để lý giải cho sự phân chia thứ tự ưu tiên và các cấp độ đó, trước tiên ta cần phải hiểu đúng về bản chất của từng điều. Tôi tin chắc rằng, chỉ cần bạn vén được lớp màn định kiến, nhận thức sai lầm ra khỏi sự thật, chỉ cần bạn vượt thoát được những hiểu lầm tai hại, những cái nhìn bị chi phối thì bạn sẽ tự thấy được điều gì là đáng ưu tiên hơn, điều gì là đáng trân trọng hơn, sẽ chẳng cần một giải thích nào cả ta cũng có thể hiểu được thứ tự ưu tiên phù hợp cho ta. Và khi ta phân định được các mối quan hệ, các việc cần ưu tiên thì ta sẽ không bị lãng phí nguồn lực, lẵng phí cuộc sống ta cho những điều không cần thiết và ngược lại, ta tránh được quan tâm quá mức về những thứ không cần thiết mà bỏ quên những điều ý nghĩa, tốt đẹp khác. Ta sẽ được sống cuộc đời của chính ta một cách thoải mái, tự tin, không phụ thuộc, không mưu cầu, không lo sợ, sống trọn vẹn và sâu sắc.

Điều thứ nhất, bàn về vật chất.

Vật chất là những thứ tồn tại quanh ta, do tạo hoá của bàn tay con người hay do tạo hoá của đất trời mà có, vật chất được con người dùng cho một mục đích nào đó như tiêu thụ, cất giữ, trao đổi, đầu tư,…Vật chất có thể là tiền vàng, là nhà cửa, là xe cộ,…Một nhận thức phổ biến và sai lầm đó là coi trọng vật chất hơn tất cả, coi vật chất là thứ ưu tiên cao nhất, là đích đến sau cùng và con người ta dễ dàng đánh đổi đi những thứ khác để có được điều người ta muốn chỉ là vật chất. Có những câu nói thoạt nghe qua thì thấy rất đúng như: Làm cái gì cũng phải cần có tiền? Có tiền thì làm gì cũng dễ? Không có tiền làm sao mà sống? Bạn có từng nghe qua chưa, có thấy những câu nói kiểu như vậy nó đúng hay không?

Đúng mà, Quảngiatrang cũng thấy đúng, nhưng chỉ đúng một phần rất nhỏ mà thôi. Tôi không phủ nhận hoàn toàn quan điểm đó, có điều quan điểm đó chưa nói lên tất cả. Hình như nghĩ kỹ hơn một chút ta lại thấy rằng nhận định đó nó còn thiếu thiếu điều gì, nó có phần phiến diện, chưa đi sâu vào bản chất của vật chất thực sự.

Chúng ta phải thừa nhận rằng, với sự tác động, biến đổi và chi phối mạnh mẽ của bàn tay con người, của cải tạo vật chất, của đủ thứ quyền lực, ý chí áp đặt thì vật chất ngày nay ngày càng trở lên quan trọng. Từ việc, vật chất là chất liệu để cuộc sống tốt đẹp hơn, ngày nay vật chất đã biến thành thứ quyết định sự sống còn, quyết định những quyền cơ bản nhất mà tạo hoá ban cho mọi sinh vật sống. Thật vô lý!

Có câu chuyện về bộ tộc sống trong khu rừng như sau:

Ngày xưa, khi chưa có “Sự tiến bộ” của loài người thì những bộ tộc sống thuận tự nhiên họ không có tiền tài, vật chất, họ vẫn sống cuộc sống bình thường của họ, họ cần trái cây thì vào rừng kiếm, cần thịt thì họ sẽ đi săn bắt trong tự nhiên, mọi thứ họ cần vốn rất sẵn có và chẳng khó tìm, mọi thứ họ cần chỉ là vừa đủ, không dư thừa, không lãng phí, không nghĩ về chiếm hữu hay đầu tư. Nhờ sự tiêu thụ như vậy mọi sản vật của đất trời mới kịp tái sinh, mới còn cho đến tận ngày nay để chúng ta sử dụng. Tôi thiết nghĩ nếu thời xa xưa, các bộ tộc họ tiêu thụ theo kiểu tận diệt, kiểu lợi trước mắt, kiểu của chúng ta bây giờ thì chắc gì ngày nay chúng ta đã còn có thứ gì mà khai thác, mà tận hưởng đâu?

Và rồi một ngày nọ, “Nền công nghiệp tiến bộ” ghé qua, biến những khu rừng già thành nông trại, thành công trường, nhà máy, cánh rừng ngày bị thu hẹp, bộ tộc như bị quây tròn lại trong một khu rừng nhỏ bé và hẹp dần. Vẫn là bộ tộc ấy, vẫn khu rừng ấy, nhưng giờ đây, khi người trong bộ tộc cần đồ ăn thì họ phải có tiền để mua ở khu chợ, phải đến nông trại mới có, phải có gì đó để đổi lấy. Chẳng còn thứ gì ngoài kia để họ kiếm tìm cả, tới con chim trong rừng, con cá dưới hồ cũng mất đi nơi bay nhảy, bơi lặn. Những lúc như vậy, thì không có vật chất họ sẽ chẳng có cái ăn cơ bản để tồn tại, vật chất lúc này lại quyết định tới sự sống chết của họ, đôi chân cũng chẳng còn được tự do đi tới bất kì nơi đâu họ muốn, bởi một quy ước nào đó đã đặt ra ranh giới, bởi cái gọi là quyền sở hữu của ai đó nằm trên cả những quyền tự nhiên.

Họ không thể cùng chung sống với thiên nhiên, chỉ vì họ chẳng có cái gọi là “văn mình” hay sao? Vì con người sợ rằng lối sống của họ cướp mất đi điều gì hay sao? Một lối sống “Lạc hậu” như vậy thì đáng sợ và nguy hiểm lắm sao? Họ cứ sống như vậy thì liệu thiên nhiên có còn mãi đến mai sau? hay chính cái cách sống của “Nền văn minh”, chính cái phá huỷ quy mô lớn của chúng ta mới là nguyên nhân hoại diệt tất cả một cách nhanh chóng, khiến sự sống chẳng còn đến tốt đẹp đến mai sau? Sự sống tự nhiên vốn dĩ rất đơn giản và dễ dàng, chính chúng ta đã làm cho sự sống ấy trở lên rối rắm, sự tồn tại trở lên khó khăn. Sự sống vốn dĩ chỉ phụ thuộc vào một thứ là thiên nhiên, là quy luật của tự nhiên, sự phụ thuộc này chẳng đến nỗi khó khăn tới mức dồn ép một sinh vật nào đó vào đường cùng, sự phụ thuộc này thúc đẩy quá trình thích nghi, tiến hoá. Thế nhưng, chúng ta đã, đang đi tìm đủ mọi cách để mất đi sự phụ thuộc vào thiên nhiên ấy, để rồi vô tình sản sinh ra vô vàn những sự phụ thuộc khác, những thứ “Phụ thuộc mới” này lại rất là vấn đề, lại rất khốc liệt, có khi nó dồn một ai đó tới đường cùng, nó bức tử cả sự sống, nó khiến một loài nào đó dễ dàng tuyệt chủng và diệt vong.

Thời xa xưa, cũng có dịch bệnh, cũng thiên tai, cũng có các vấn đề, nhưng chúng chẳng bao giờ ghê gớm như ngày nay. Những điều sinh ra, mất đi thời ấy như một quy luật tất yếu, là sự thanh lọc tự nhiên, mọi loài đều đón nhận và chẳng có gì đáng sợ cả. Nhưng ngày nay, dịch bệnh, thiên tai và các vấn đề lại rất nghiêm trọng, rất bất định và lạ kỳ. Tới Khổng Minh có sống dậy, tôi nghĩ rằng trong thời đại này ông ấy cũng chẳng thể nào đoán được mưa bão, nắng hạn khi nào xảy ra, cho dù ông ấy có bấm tới nát cả mấy đầu ngón tay tiên tri của mình. Tôi cảm giác rằng, chúng ta đang tạo ra rất nhiều vấn đề rồi lại cố đi tìm giải pháp, ta tôn vinh những giải pháp ấy như việc vừa ăn cướp vừa la làng vậy.

Chúng ta sử dụng thực phẩm lãng phí, ăn uống tiêu thụ theo kiểu “đếch” quan tâm tới gì, rồi lại đi tìm ra phương pháp cải tạo đất đai sao cho năng suất, canh tác sao quy mô, sản xuất sao cho siêu lợi nhuận và chính quá trình đó lại vô hình dung tạo ra dư thừa để khuyến khích việc tiêu thụ nhiều hơn.

Chúng ta phá rừng làm nhà để rồi khí hậu ngày càng nóng lên, khi trời nóng quá ta phát minh ra những chiếc máy điều hoà để làm trong nhà mát hơn, nhưng vô hình dung những chiếc điều hoà lại là nguyên nhân khiến thời tiết ngoài kia càng nóng hơn.

Chúng ta di chuyển bằng chân, bằng xe đạp thì thấy rằng chậm quá, mất nhiều thời gian quá, chúng ta không nghĩ rằng đi là để tới nơi mà chúng ta quan tâm việc tới nơi sao cho nhanh và rồi chúng ta phát minh ra đủ loại phương tiện, xe cộ cho mục đích tiết kiệm thời gian di chuyển, nhưng rồi chính đống xe cộ đó lại là nguyên nhân khiến nhiều người đi mà mãi chẳng bao giờ tới nơi, chứ đừng nói là tới nơi nhanh hay chậm, chính việc dành tiền để mua sắm xe cộ mà quên chưa “mua” ý thức, “mua” kỹ năng…đã tạo ra tắc đường, kẹt xe,… là những nguyên nhân khiến việc di chuyển trở lên mất nhiều thời gian hơn và ô nhiễm hơn.

Chúng ta thấy bí ý tưởng, thiếu sáng tạo, không nghĩ ra câu trả lời nhanh chóng cho một vài câu hỏi nào đó nên chúng ta phát minh ra chat GPT để hỗ trợ ta sáng tạo, cho ta thêm ý tưởng, cho ta câu trả lời nhanh chóng,… nhưng vô hình dung chính chat GPT lại đang làm chúng ta càng ngày càng bí ý tưởng hơn, thiếu đi sáng tạo độc đáo hơn, mất đi khả năng tự mình trả lời các câu hỏi, thêm phần phụ thuộc hơn…Và còn vô vàn các tình huống khác tương tự.

Cứ như vậy, chúng ta hình như là những người tự mình tạo ra mọi vấn đề cho mình, rồi cố đi tìm ra giải pháp, chúng ta tôn vinh giải pháp của chính những kẻ tạo ra vấn đề ư? thật là nực cười! Thay vì ngừng tạo ra vấn đề, để chẳng cần đến giải pháp, thì ta lại làm ngược lại, ta vô tâm tạo ra đủ thứ vấn đề rồi đi tìm giải pháp cho chúng. Giải pháp hay nhất là đừng tạo ra vấn đề, là không cần giải pháp gì cả, đừng tạo ra sự phức tạp để đi tìm những giải pháp tuyệt vời, vòng luẩn quẩn sẽ lặp đi lặp lại mãi thôi. Cứ theo chiều hướng này, tôi chẳng phải là nhà tiên tri cũng biết trước rằng một ngày nào đó, viễn cảnh trong các bộ phim viễn tưởng sẽ thành hiện thực, ngày mà trên trời, hay dưới đất, khắp nơi trên trái đất toàn là máy móc, rồi con người sẽ phải đi “khai phá” những hành tinh khác, chúng ta tràn ra vũ trụ, rồi một lúc nào đó, ở một nơi nào đó sự sống lại quay về điểm bắt đầu, lại là tiến trình mày mò, khám phá để phát triển đó, rồi cứ thế lặp đi lặp lại trong vũ trụ này hay trong thiên hà khác.

Bằng lòng tham vô đáy, bằng đủ loại lo sợ, bằng sự không sẵn sàng đón nhận. Chính con người đã làm ra nhiều vật chất nhân tạo hơn và làm mất đi giới tự nhiên. Quá trình đó đã cướp đi những điều tự nhiên cơ bản và tốt đẹp của mọi loài, đã làm cho chúng ta bị phụ thuộc hơn vào vật chất nhân tạo ấy, từ đó khiến cho thứ vật chất mà ai cũng muốn, không biết từ bao giờ lại trở lên “quyền lực” đến vậy, lại là ưu tiên hơn cả trong vòng luẩn quẩn của cuộc đời ta.

Nói tới đây rồi thì tôi khuyên các bạn hãy thoát khỏi chúng đi thôi, các bạn à:

“Đến rồi ai cũng phải đi thôi, hãy sống sao cho đầy ý nghĩa, để buổi xuôi tay, miệng mỉm cười”

Sau tất cả, đừng phụ thuộc vào vật chất, hãy nhớ rằng vật chất chỉ là thứ thấp nhất trong 04 thứ ưu tiên của cuộc sống chúng ta, nó là thứ rẻ nhất, thứ ta sẵn sàng có thể cho đi, đánh đổi nhất so với thời gian sống, mối quan hệ tích cực hay gia đình, người thân của ta. Ta nên nhớ rằng vật chất là phương tiện, là chất liệu đầu tiên, là thứ đến đi không bám víu, là tiền đề để giúp ta tiết kiệm thời gian của ta, giúp ta có những mối quan hệ tích cực, và giúp ta gắn kết sâu sắc với gia đình, người thân ta. Trong trường hợp nguồn lực ta có hạn, ta chỉ có thể chọn một mà thôi thì thay vì sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để có được tiền tài, vật chất, ta hãy sẵn sàng đánh đổi tiền tài, vật chất để quý trọng thời gian sống an nhiên của ta hơn, để ta trọn vẹn từng phút giây, để giữ được những mối quan hệ tích cực và để học cách yêu thương, nâng đỡ gia đình, người thân ta.

Theo đó, trong 04 thứ ưu tiên, nằm ở vị trí cao hơn tiền tài vật chất một bậc chính là thời gian. Thời gian sống của bất kỳ ai cũng đều đáng quý, cũng có giá trị riêng với mỗi người, không có chuyện thời gian của ai quý trọng hơn ai. Thời gian sống của mỗi loài đều hữu hạn, là một khoảng nhất định, nó không “dồi dào” như vật chất ta có thể kiếm tìm ngoài giới tự nhiên, hay ta tạo ra. Vì lẽ đó, ta hãy học cách trân quý từng phút giây của ta, ta làm điều gì, ta chọn cái gì mang lại nhiều điều ý nghĩa nhất với cùng một thời gian sống đó. Đừng lãnh phí thời gian cho những hưởng thụ, những thú vui nhất thời, tạm bợ không mang tính chất nâng đỡ, hàm dưỡng. Đừng dùng từ “giết thời gian” vì muốn có thêm thời gian còn không được, lý nào lại đi giết chúng. Sau cùng, ta hướng tới mọi khoảnh khắc ta sống đều trọn vẹn, không nuối tiếc, không truy đòi quá khứ phải quay lại để “giá như”, cũng không mưu cầu thay đổi tương lai theo hướng thế này hay thế kia cho đúng ý. Thời gian sẽ mất đi liên tục và không thể lấy lại, vì thế hãy biến sự mất đi đó sao cho có giá trị nhất. Để thời gian ta đánh đổi sẽ đem lại những mối quan hệ tích cực và nhiều điều tốt đẹp cho gia đình, người thân ta.

Nếu bạn hỏi tôi giữa thời gian và vật chất tôi sẽ chọn cái nào, tôi xin trả lời đó là thời gian. Và có điều gì đó khiến ta có thể hi sinh thời gian sống của mình, thì chỉ có thể là dành cho một mối quan hệ tích cực nào đó, dành cho gia đình, người thân ta mà thôi. Ta sẽ hình dung được thứ mà ta ưu tiên hơn cả thời gian đó là những mối quan hệ tích cực quanh ta. Hẳn mỗi người đều có cho mình không nhiều thì ít những mối quan hệ trong cuộc sống. Đôi lúc chúng ta cần một mình, nhưng đôi lúc chúng ta cần có sự đồng hành, và sự đồng hành trong cuộc sống là điều giúp ta thấy cuộc sống này nhiệm màu, thú vị hơn rất nhiều. Sự đồng hành tiếp cho ta sức mạnh và mang hai ý nghĩa đồng thời, vừa là để ta cho đi, vừa là để ta nhận lại. Các mối quan hệ quanh ta vừa là điều có nhiều tác động lên ta nhất, vừa là thứ chịu sự tác động của ta nhiều nhất, cùng hoại diệt hay nâng đỡ, cùng bước hay cùng lùi đều phụ thuộc sự tác động qua lại của một hoặc nhiều mối quan hệ tác động lên ta. Trong số các mối quan hệ đó, không thể tránh khỏi những mối quan hệ ta gọi là xã giao, những mối quan hệ tiêu cực và có cả những mối quan hệ tích cực. Trong bài viết này, tôi muốn nói rằng nếu phải chọn lựa, tôi sẽ sẵn sàng hi sinh vật chất, hi sinh thời gian cho đối phương, cho người mà tôi gọi là một mối quan hệ tích cực. 

Người xưa có câu:

“Trăm năm tri kỷ khó tìm, tri âm khó gặp, bạn hiền khó quen” chính vì vậy việc kết giao đừng tuỳ tiện, bừa bãi mà phải dựa trên nền tảng của một mối quan hệ chất lượng, không phải chạy theo số lượng cho đông, cho nhiều. Chúng ta biết rằng để có cho mình một người bạn hữu đã là rất khó khăn, việc có cho mình một người tri âm là rất hiếm gặp và có cho mình một người tri kỷ thì gần như không thể, chính vì vậy khi ta có được một người bạn hữu thực sự, một người tri âm, một người tri kỷ bên cạnh rồi thì ta đừng ngần ngại hãy dành thời gian cho người đó, đừng vì vật chất thiệt hơn mà đánh mất đi mối quan hệ sâu sắc đó.

Sau cùng, điều mà ta gọi là ưu tiên cao nhất, thứ ta có thể đánh đổi cả vật chất, thời gian, các mối quan hệ để hi sinh, để nâng đỡ để yêu thương đó chính là gia đình, người thân bên ta. Nói như vậy không có nghĩa là Quảngiatrang đề cao gia đình hơn cả mà quên đi những điều tốt đẹp ngoài kia. Cứ thử xem xét kỹ lại ta sẽ thấy, gia đình là một điều gì đó mà gần như bất kỳ ai cũng có, là nơi gắn bó mật thiết, gần gũi nhất với mỗi cá nhân. Ngoại trừ bản thân của mỗi người thì chắc chỉ có gia đình là thứ bên ngoài chúng ta nhưng có thể có khả năng hiểu rõ chúng ta nhất, có khả năng nâng đỡ bao dung nhất, có tình yêu thương chân thành nhất, có sự hy sinh cao cả nhất và thậm chí trong một số trường hợp là thứ có thể khiến chúng ta dễ tổn thương nhất, khiến chúng ta phải bận tâm, trăn trở nhiều nhất. Gia đình vừa có thể là nơi ấm áp nhất cũng vừa có thể là nơi lạnh lẽo nhất, đó là nơi tiếp cho ta bao động lực, niềm tin, sức mạnh, niềm hạnh phúc cũng có thể trở thành nơi lấy đi của ta niềm tin, lấy đi năng lượng, lấy đi nụ cười của ta một cách dễ dàng nhất…Nói tới đây, ý nghĩa sâu sắc mà tôi muốn mô tả nằm ở sự tác động qua lại, nói đến một mối quan hệ là ta sẽ nói đến khả năng chi phối và sự tác động qua lại (tôi sẽ phân tích kỹ hơn ở phần sau, khi chúng ta phân chia 06 cấp độ của các mối quan hệ) theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Và chắc chắn rồi, gia đình của mỗi người chính là nơi có sự tác động, chi phối mạnh mẽ tới mỗi cá nhân, là nơi có khả năng cao nhất có thể thay đổi một con người theo hướng này hay hướng khác. Gia đình là một tập hợp quy mô nhỏ, một xã hội thu nhỏ nhưng lại tạo ra những tác động, hiệu ứng to lớn. 

Chính vì vậy, bạn, tôi và chúng ta hãy sẵn sàng đánh đổi vật chất, thời gian, tiền bạc hay các mưu cầu ngoài kia, đánh đổi các mối quan hệ khác để quay về nơi tạm gọi là xuất phát điểm, là cái nôi, cái nguồn gốc cơ bản để làm cho mối liên hệ giữa ta và gia đình ta trở lên sâu sắc hơn, mang nhiều giá trị tốt đẹp hơn, để hợp lực cùng nâng đỡ, cùng tiến bộ, cùng đồng hành giúp cả đôi bên có thêm sức mạnh. Để hạn chế tối thiểu sự tác động tiêu cực và phát huy nhiều nhất sự tác động tích cực qua lại giữa ta và gia đình của ta. Để biến gia đình là tổ ấm, là nơi mọi người thấu hiểu nhau, để hi sinh và yêu thương nhau nhiều hơn, mỗi cá nhân tốt đẹp sẽ làm gia đình trở lên tốt đẹp, nhiều gia đình tốt đẹp sẽ góp phần tạo lên một xã hội tốt đẹp, một quốc gia tốt đẹp và nhiều quốc gia tốt đẹp sẽ tạo lên một thế giới tốt đẹp. Hạnh phúc lớn lao đến ngay từ những điều nhỏ bé, từ chính mỗi cá nhân chúng ta, từ mỗi gia đình nhỏ. Và, nói thì có vẻ đơn giản, nhưng việc quay về gắn kết ta với gia đình ta lại là một việc gì đó cần nhiều tâm huyết, hết sức khó khăn, không phải là chuyện đơn giản, chuyện một sớm một chiều, mà cần kiên trì, bền bỉ, đúng phương pháp. Nói tới đây chắc bạn cũng đồng tình với Quảngiatrang rằng gia đình là thứ mà ta nên ưu tiên cao nhất trong cuộc sống của chúng ta phải không nào? Trong giới hạn nguồn lực, hãy dành trọn công sức để hoàn thiện mối liên hệ sâu sắc với gia đình trước khi muốn làm điều gì. Mọi việc ta làm, mọi hành động, mọi ưu tiên khác trong cuộc sống rồi cũng dẫn đến một nơi đó là gia đình và cũng từ một nơi gia đình ấy sẽ dẫn đến mọi điều tốt đẹp cho ta, cho người thân ta, cho xã hội và cho thế giới quanh ta…

…[Ngẫm 2].

Leave a Reply

Your email address will not be published.